Thận trọng với áo điều hòa làm mát khi nắng nóng! Chúng có thực sự làm mát cơ thể như quảng cáo? #dieuhoamaylanh

Bạn đang xem bài viết trong chuyên mục #dieuhoa Thận trọng với áo điều hòa làm mát khi nắng nóng! Chúng có thực sự làm mát cơ thể như quảng cáo? #thodienlanh24h #suadieuhoa

Áo điều hòa sử dụng những bộ làm mát kém chất lượng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là sản phẩm sử dụng pin không rõ nguồn gốc. Những thiết bị điện tử dạng này có giá rẻ do bị cắt bỏ những khâu kiểm định.

Nguy cơ điện giật từ áo điều hòa

Bước vào những đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè, thị trường áo điều hòa lại nhộn nhịp. Anh Nguyễn Văn Huy, chủ một đại lý phân phối áo điều hòa cho biết, năm nay thị trường sôi động khá sớm từ đầu tháng 4, khi những đợt nắng nóng gay gắt xuất hiện. Đoán biết nhu cầu của thị trường, năm nay anh Huy nhập về hơn 1000 chiếc áo điều hòa để phân phối cho các cửa hàng và bán lẻ. Sản phẩm được anh mua buôn từ Trung Quốc.

Theo quan sát của phóng viên, sản phẩm áo chống nắng điều hòa khá giống áo chống nắng thông thường, chỉ khác ở chỗ: Áo chống nắng điều hòa có hai quạt gió mini gắn ở hai bên sườn, chạy bằng pin năng lượng đựng trong túi áo. Do có thêm pin và quạt gió nên trọng lượng của áo điều hòa khoảng 800g-1kg.

Sản phẩm áp điều hòa có quạt mát, sạc pin… được bày bán ở nhiều trang thương mại điện tử

Không những bán tại các đại lý bán quần áo bảo hộ lao động mà cũng được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada,…Tìm kiếm trên các trang bán hàng online cũng dễ dàng thấy dòng áo này đang thu hút nhiều khách hàng với nhiều dòng áo có giá từ 850 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng. Chất lượng mỗi sản phẩm khác nhau, và tùy theo giá cả.

Theo quảng cáo, bộ sản phẩm bao gồm 1 chiếc áo bảo hộ lao động làm bằng chất liệu kaki, 1 bộ pin sạc và 2 quạt gió đi kèm. Với loại pin 5.200mAh người dùng có thể sử dụng quạt liên tục trong vòng 8 – 10 giờ. Bộ sản phẩm được cho là phù hợp cho người lao động ngoài trời như công nhân, thợ xây, shipper…

Giá bán của các mẫu áo điều hòa phụ thuộc vào chất liệu vải và bộ làm mát. Áo một lớp, vải mỏng, pin khoảng 5.000 mAh có giá từ 200.000 đến 400.000 đồng. Bộ quạt kèm theo cũng thiết kế sơ sài, ít thông tin và thường làm bằng vỏ nhựa. Hệ thống điều hòa của áo chạy bằng pin và năng lượng chứa trong túi áo. Cách thức sử dụng khá đơn giản chỉ cần mặc như áo bình thường, bấm nút khởi động 2 chiếc quạt điều hòa. Mặc càng lâu, hệ thống gió càng mạnh giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng.

Theo KS cơ điện Lê Tuấn Dũng, qua quan sát có thể thấy “áo điều hòa” là tên gọi được thổi phồng lên, thực tế đây là chiếc áo gắn quạt điện mini bên trong chứ không phải áo làm mát giống như máy điều hòa nhiệt độ mà nhiều người lầm tưởng. Dù dùng công nghệ cao hay hiện tượng cơ học thì cả hai vẫn phải dùng điện, nếu như mối nối của thiết bị được gắn vào áo mà tốt thì không lo sợ điện giật. Nhưng nếu chất lượng không tốt, cơ thể ra mồ hôi, tạo độ ẩm thì sẽ là điều kiện để dẫn điện, như thế rất nguy hiểm.

“Dù điện áp từ 36 Vôn trở lên mới gây ra hiện tượng điện giật, nhưng người tiêu dùng vẫn nên cẩn trọng, bởi nếu rò điện, nguồn điện này vẫn gây ra hiện tượng giật điện nhẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”, chuyên gia khuyến cáo.

Ngoài ra những bộ làm mát kém chất lượng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là sản phẩm sử dụng pin không rõ nguồn gốc. Những thiết bị điện tử dạng này có giá rẻ do bị cắt bỏ những khâu kiểm định, dùng thành phần chất lượng kém. Chúng thường nhanh hỏng, sản sinh các chất độc hại gây dị ứng cho cơ thể, thậm chí pin dễ gây cháy nổ.

Không phải áo càng dày càng chống nắng tốt

PGS. TS Phạm Văn Nho, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với nhận định việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ rủi ro, người dùng cần thận trọng.

TS Nho cũng cho biết, hiện nay có quan điểm rất sai lầm rằng, một chiếc áo chỉ cần ánh nắng không thể xuyên qua được là đã có khả năng chống nắng. Bất cứ vật gì cản được ánh sáng đều có khả năng chống tia UV. Suy nghĩ như vậy nên nhiều chị em cứ mặc thật nhiều áo, nhiều lớp, áo thật là dày… với hy vọng ánh nắng sẽ không chiếu tới da.

Sai lầm này là bởi mắt thường chúng ta không nhìn thấy hết thành phần có trong ánh nắng. Tia hồng ngoại, tia tử ngoại trong ánh nắng có thể xuyên qua nhiều lớp vải khác nhau mà mắt thường không nhìn thấy được. Do đó, không có chuyện áo gì cũng có thể chống được nắng. “Nếu bạn mặc chiếc áo chất liệu cotton thì áo có dày như mo cau cũng không thể chống lại tia UV được”, PGS.TS Phạm Văn Nho ví von.

Vải có chất liệu sợi tổng hợp polyeste là loại vải có thể chống lại tia UV trong ánh nắng tốt nhất. Tuy nhiên, loại sợi này không dùng riêng biệt để làm quần áo được vì rất khó mặc mà nó phải pha với sợi bông hoặc một số loại sợi khác theo tỉ lệ nhất định. Cấu trúc hóa học của loại sợi polyeste giúp ngăn tia tử ngoại là đúng nhưng thực tế nhiều hãng sản xuất quảng cáo vống lên về những tác dụng của loại áo chống nắng mà không hiểu về chất liệu. Nhiều khi tem nhãn có ghi chất liệu polyeste nhưng để kiểm chứng đúng là như thế hay không cũng rất khó. Bởi bằng mắt thường thì không thể biết chiếc áo đó có ngăn tia UV hay không mà phải cần đến các phòng thí nghiệm.

Theo chuyên gia, những đợt nắng nóng cao điểm, chỉ số tia UV rất cao, chị em cần bảo vệ da bằng nhiều cách khác nhau. Khi ra ngoài trời phải đội mũ rộng, quần áo che kín để tránh tác hại của tia cực tím. Chỉ số chống nắng SPF của quần áo, mũ hằng ngày là bao nhiêu? Mũ vải là từ 3 – 6 (từ là 66.7% đến 83.3%). Áo chống nắng bình thường chúng ta vẫn mặc có chỉ số chống nắng khoảng 6 – 7 (từ 83.3% đến 85.7%).

Khi mặc quần áo nên chọn loại vải được dệt chặt, thay vì vải dệt thưa. Vải dày tốt hơn vải mỏng. Chất liệu tổng hợp như polyester hoặc rayon tốt hơn chất liệu cotton. Chất liệu bóng bẩy như satin tốt hơn chất liệu không bóng. Quần áo khô tốt hơn quần áo ướt. Ngoài ra phải kết hợp đeo kính râm, nên chọn loại có mắt kính to bản, hơi khum theo đường vòm cung, gọng dày che phần thái dương để có thể hạn chế tia cực tím đến từ các phía khác nhau.

Theo PGS. TS Phạm Văn Nho, thời điểm tia cực tím trong ánh nắng nhiều nhất là từ 10h trưa đến 3h chiều. Nếu không có việc gì thì hạn chế ra ngoài đường nhất là trong những ngày nắng gắt vào khung giờ này. Chỉ cần như vậy cũng giảm thiểu rất nhiều tác hại của ánh nắng đến da.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)


Nguon bai: https://amp.ngoisao.vn/suc-khoe/cham-soc-suc-khoe/than-trong-voi-ao-dieu-hoa-lam-mat-khi-nang-nong-chung-co-thuc-su-lam-mat-co-the-nhu-quang-cao-426286.htm

Bạn đang đọc bài viết “Thận trọng với áo điều hòa làm mát khi nắng nóng! Chúng có thực sự làm mát cơ thể như quảng cáo? #dieuhoamaylanh” tại chuyên mục Tư Vấn Điều Hòa Máy Lạnh của trang thông tin tham khảo tổng hợp ghi rõ nguồn thuộc TT ThoDienLanh24h. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với TT ThoDienLanh24h xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]!