Bạn đang xem bài viết trong chuyên mục #dieuhoa Cẩn trọng nguy cơ sốc nhiệt khi dùng điều hòa #thodienlanh24h #suadieuhoa
Nắng nóng khiến cơ thể mất nước, khi ra vào phòng bật điều hòa liên tục có thể gây co mạch đột ngột, cản trở lưu thông máu, tăng nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sử dụng điều hòa không đúng cách như bật ở nhiệt độ thấp hơn nhiều so với nền nhiệt môi trường dễ khiến người dùng sốc nhiệt. Đây là tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi từ nóng sang lạnh quá nhanh, gây ra những tác động bất lợi đến sức khỏe.
Nhiệt độ ở nơi có điều hòa như văn phòng hay trên ô tô chỉ nên chênh lệch với nhiệt độ môi trường bên ngoài 7-8 độ. Bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt khi có sự thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Cụ thể là người đang từ bên ngoài trời nóng đột ngột vào phòng lạnh, vừa tắm xong vào phòng điều hòa ngay, lên xuống ô tô khi nhiệt độ ngoài trời chênh lệch quá lớn so với điều hòa mở…
Người lao động làm việc lâu ngoài trời hoặc trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường thường có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn. Họ cũng dễ gặp biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Bác sĩ Hậu lý giải điều hòa không trực tiếp gây ra sốc nhiệt mà do thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, bài tiết nhiều mồ hôi, gây mất nước, rối loạn điện giải. Ngồi trong phòng điều hòa liên tục với nhiệt độ thấp, khô cũng dễ mất nước.
Nếu không bổ sung đủ nước, máu có thể đặc, dính và lưu thông kém. Khi ra vào phòng bật điều hòa liên tục, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột có thể gây co mạch đột ngột, cản trở lưu thông máu, tăng huyết áp, ảnh hưởng trung khu thần kinh. Các yếu tố này kết hợp với những vấn đề sức khỏe khác như béo phì, hàm lượng cholesterol trong máu cao… có thể hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ.
Những biểu hiện ban đầu có thể xảy ra như da nóng, đỏ, khô, mạch nhanh. Sau đó có thể xuất hiện tình trạng sốt cao, từ 39 đến 40 độ, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, thở gấp, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng, vã mồ hôi, trụy mạch, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê…
Chênh lệch nhiệt độ còn dẫn đến viêm mũi dị ứng, khô mắt, khô họng. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai xâm nhập gây viêm đường hô hấp trên, khởi phát cơn hen suyễn.
Bác sĩ Hậu khuyến cáo để tránh nguy cơ sốc nhiệt khi dùng điều hòa, các gia đình cần kiểm soát nhiệt độ phòng ở mức 25-28 độ C. Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ mát nên sử dụng kèm quạt điện, quạt hơi nước… thay vì giảm nhiệt độ điều hòa quá thấp. Trẻ nhỏ nên chuyển sang chế độ quạt gió thông thường sau 2-3 giờ, tránh để nhiệt điều hòa liên tục trong thời gian dài.
Khi đi ngoài nắng về, mọi người cần sử dụng quạt gió trước khi bật điều hòa khoảng 10 phút. Vào phòng nên đứng giữa cửa, bật điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ nhiệt độ dần dần. Tắt thiết bị này trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút và đứng trước cửa vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.
Sau khi tắm xong, nên lau khô người và ngồi ở nhiệt độ phòng khoảng 10 phút trước khi vào phòng điều hòa để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ lạnh.
Không nên ở trong phòng điều hòa 24/24 vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, khó thở do thiếu khí. Điều này làm giảm khả năng chịu nhiệt của cơ thể, khi phải tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao hoặc làm việc gắng sức dưới thời tiết nắng nóng dễ bị sốc nhiệt. Ban ngày tránh ngồi trong phòng điều hòa liên tục trong 4 giờ. Nên bố trí thời gian ra ngoài đi dạo, vận động để giải tỏa căng thẳng, tăng trao đổi khí khi nền nhiệt ngoài môi trường giảm.
Khi đi xe ô tô, mở cửa kính xe, khởi động xe bật quạt gió để thổi hết hơi nóng ra ngoài trong 5 phút trước khi bật điều hòa. Nhiệt độ lý tưởng trong ô tô khoảng 22-25 độ. Sử dụng thêm tấm phản chiếu nhiệt khi di chuyển để giảm tác động của nắng nóng lên nhiệt độ trên xe. Khi đỗ cần chọn nơi có bóng râm, mái che thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào xe làm tăng nhiệt độ.
Các gia đình nên vệ sinh điều hòa thường xuyên để tránh nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tăng hiệu quả làm mát. Phòng sử dụng điều hòa vẫn nên mở cửa thường xuyên, lắp thêm quạt thông gió nhằm lưu thông không khí, tránh tình trạng thiếu khí, gây khó thở.
Mọi người nên uống nước ngay cả khi không cảm thấy khát. Người trưởng thành cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước, chia làm nhiều lần trong ngày, có thể sử dụng nước lọc, nước trái cây, nước ép rau củ hoặc các loại nước chứa muối khoáng để bổ sung điện giải.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguon bai: https://vnexpress.net/can-trong-nguy-co-soc-nhiet-khi-dung-dieu-hoa-4739508.html
Bạn đang đọc bài viết “Cẩn trọng nguy cơ sốc nhiệt khi dùng điều hòa #dieuhoamaylanh” tại chuyên mục Tư Vấn Điều Hòa Máy Lạnh của trang thông tin tham khảo tổng hợp ghi rõ nguồn thuộc TT ThoDienLanh24h. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với TT ThoDienLanh24h xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]!
Bài viết liên quan:
Trung Tâm Thợ Điện Lạnh 24h Phục Vụ
Trung tâm Thợ Điện Lạnh 24h phục vụ quý khách hàng kính mến sửa chữa, bảo dưỡng, tháo lắp, di dời, nạp ga, vệ sinh ....các thiết bị điện lạnh chủ yếu trong gia đình cơ quan, xí nghiệp.
Đừng Ngại Liên Liên Hệ Khi Bạn Cần Phục Vụ!