Giải mã thói quen sử dụng máy lạnh khác nhau của mỗi người #dieuhoamaylanh

Bạn đang xem bài viết trong chuyên mục #dieuhoa Giải mã thói quen sử dụng máy lạnh khác nhau của mỗi người #thodienlanh24h #suadieuhoa

dieuhoa.jpg
Thói quen dùng điều hòa ở mức độ thoải mái của mỗi người rất khác nhau

Một báo cáo khoa học gần đây có tiêu đề táo bạo là “Giảm số điện” cho thấy người Mỹ bình thường không giảm nhiệt độ của máy điều nhiệt quá nhiều, mặc dù hệ thống sưởi và làm mát chiếm một phần đáng kể trong hầu hết các hóa đơn năng lượng tại nhà.

Thay vào đó, người ta có xu hướng duy trì theo thói quen của cha mẹ họ.

Nhà nghiên cứu hành vi tổ chức Dritjon Gruda từ Đại học Maynooth ở Ireland và Paul Hanges, một nhà tâm lý học tổ chức từ Đại học Maryland ở Mỹ viết: “Đặc biệt, những ai lớn lên trong ngôi nhà ấm áp hơn có xu hướng duy trì nhiệt độ cao hơn trong ngôi nhà riêng sau này của họ, cho thấy ảnh hưởng lâu dài của môi trường nhiệt độ thời thơ ấu đối với thói quen cảm nhận về nhiệt độ sau này”.

Ngày nay, điện dân dụng chiếm 21% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước Mỹ và hơn một nửa trong số đó là phục vụ cho hệ thống sưởi ấm và làm mát của hộ gia đình.

Bất chấp thực tế là một nửa số hộ gia đình ở Mỹ không có người vào ban ngày, nhiều người vẫn tiếp tục bật máy sưởi hoặc điều hòa, ngay cả khi họ không ở đó. Một số cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 42% chủ nhà ở Mỹ điều chỉnh máy điều nhiệt để tiết kiệm năng lượng và chi phí.

Thói quen như vậy không chỉ lãng phí năng lượng mà còn làm tăng hóa đơn tiền điện trong gia đình. Và cuộc khảo sát mới cho thấy nguyên nhân thói quen này có thể được hình thành trong thời thơ ấu.

Gruda và Hanges viết: “Hiểu được động cơ thúc đẩy thói quen điều chỉnh nhiệt độ sưởi ấm và làm mát phù hợp của mỗi người tiêu dùng là một con đường quan trọng để giảm việc đốt nhiên liệu hóa thạch”.

Cùng nhau, hai nhà nghiên cứu đã khảo sát 2.128 người tham gia từ khắp nước Mỹ. Những người trả lời được hỏi về mức nhiệt trung bình mà họ điều chỉnh vào mùa đông khi trưởng thành và khi còn nhỏ. Họ cũng được yêu cầu đánh giá mức độ kết nối cảm xúc của họ với cộng đồng.

Trước hết, họ khảo sát với những người tham gia hiện đang sống ở các vùng có mùa đông lạnh. Kết quả, nhóm người có thơ ấu sống trong ấm áp thích giữ cho ngôi nhà hiện tại của họ ấm hơn so với nhóm người thời nhỏ sống ở môi trường lạnh giá. Cụ thể tính trung bình, những người hồi nhỏ sống trong ngôi nhà ấm áp hơn thường duy trì ở mức 26,67 độ C còn những người có thời thơ ấu sống trong ngôi nhà lạnh giá hơn thường duy trì ở mức 21,11 độ C.

Ngay cả khi cuộc khảo sát tính đến yếu tố chủng tộc, giáo dục, thu nhập hộ gia đình và sự di chuyển về mặt địa lý, xu hướng vẫn giữ nguyên.

Gruda và Hanges lưu ý rằng mặc dù những thói quen thời thơ ấu có thể “đã ăn sâu và khó thay đổi”, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không thể bị phá bỏ.

Mức độ hòa nhập cộng đồng của người tham gia khảo sát cũng cho thấy có sự ảnh hưởng “mạnh mẽ” đến việc sử dụng máy điều hòa của họ.

Ví dụ: những người mới chuyển đến các vùng có mùa đông lạnh hơn (như New York) và xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương có xu hướng duy trì máy điều nhiệt ở mức thấp hơn so với những người mới tới mà không cảm thấy hòa nhập với cộng đồng.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân ở vùng ấm hơn, như Florida, có xu hướng ít sử dụng hệ thống sưởi hơn nhưng chạy máy điều hòa không khí nhiều hơn để làm mát ngôi nhà của họ, ngay cả trong mùa đông. Nhưng một lần nữa với người mới tới, mức độ hòa nhập với cộng đồng có thể phần nào phá bỏ thói quen đó.

Các nhà tâm lý học lưu ý: “Những ai có mức độ hòa hợp với cộng đồng cao thường duy trì nhiệt độ trong nhà cao hơn do ít lạm dụng điều hòa không khí hơn”.

Nói tóm lại, người càng hòa nhập với cộng đồng thì càng có xu hướng ít tiêu thụ năng lượng, dù là máy sưởi hay máy làm mát.

Điều này cho thấy rằng những người xung quanh có tạo ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng của chúng ta, nhưng vì các chuẩn mực của cộng đồng không được đo lường trực tiếp nên hai tác giả cho rằng kết quả của họ cần được xem xét một cách thận trọng.

Các phát hiện này dựa trên báo cáo tự thân, không đảm bảo rằng những người tham gia cung cấp chính xác về thông số mà họ sử dụng với bộ điều nhiệt ở tuổi trưởng thành hoặc thời thơ ấu.

Ngoài ra, mức bộ điều chỉnh nhiệt có thể không phản ánh nhiệt độ thực tế của ngôi nhà, đặc biệt là ở những ngôi nhà cũ, cách nhiệt kém.

Gruda và Hanges lập luận rằng nghiên cứu trong tương lai sẽ cải thiện những hạn chế này và đào sâu vào các yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến cách mọi người sưởi ấm và làm mát ngôi nhà của họ.

Hai nhà tâm lý học viết: “Nếu không hiểu các cơ chế tâm lý cơ bản và động lực của hành vi, chúng ta sẽ không giải thích được tại sao ngay cả với những người tiêu dùng “tính toán” nhất lại không mấy ai cố gắng tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng của họ”.


Nguon bai: https://1thegioi.vn/giai-ma-thoi-quen-su-dung-may-lanh-khac-nhau-cua-moi-nguoi-219557.html

Bạn đang đọc bài viết “Giải mã thói quen sử dụng máy lạnh khác nhau của mỗi người #dieuhoamaylanh” tại chuyên mục Tư Vấn Điều Hòa Máy Lạnh của trang thông tin tham khảo tổng hợp ghi rõ nguồn thuộc TT ThoDienLanh24h. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với TT ThoDienLanh24h xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]!