Bạn đang xem bài viết trong chuyên mục #dieuhoa 2 thách thức lớn của doanh nghiệp Việt ngành lạnh và điều hòa không khí #thodienlanh24h #suadieuhoa
Sức ép cạnh tranh lớn
Ngành nhiệt lạnh đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, sản xuất, từ nhà ở, thương mại, dịch vụ, y tế, công cộng đến các công trình công nghiệp và nhà máy công nghệ cao.
Theo ông Cao Đại Thắng, Chủ tịch INTECH Group, nhu cầu sử dụng điều hòa cho các tòa nhà, phương tiện giao thông đang tăng cao trong bối cảnh nóng lên toàn cầu.
Bên cạnh đó, với mức sống ngày càng tăng lên, nhu cầu về thực phẩm sạch, không bảo quản hóa chất cũng thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ chuỗi cung ứng lạnh.
Một ứng dụng chuyên sâu liên quan tới lĩnh vực thông gió và điều hoà không khí là phòng sạch đang là một phần không thể thiếu trong nhà máy của các ngành công nghệ cao như công nghệ sản xuất bán dẫn, điện tử, công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phòng mổ, ngân hàng mô.
Việt Nam trong vùng nhiệt đới nóng, ẩm, nhu cầu về làm lạnh cho ngành thủy sản và điều hòa không khí rất lớn. Phòng sạch là lĩnh vực mới ở Việt Nam và rất nhanh chóng trở thành xu hướng đang có ảnh hưởng sâu rộng trong hầu hết các ngành công nghệ cao.
Có thể kể đến như ngành thủy sản phải có lạnh mới xuất khẩu được các sản phẩm tôm cá. Ngành y phải có lạnh mới bảo quản được thuốc và vaccine.
Ngành điện tử, tin học, lưu trữ dữ liệu phải có điều hòa duy trì nhiệt độ và độ ẩm cho máy móc làm việc.
Quy mô thị trường công nghệ phòng sạch được ước tính đạt 9,37 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 13,21 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,11% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Trong đó, thị trường châu Á – Thái Bình Dương đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Trong tương lai, thị trường phòng sạch tại Việt Nam và Đông Nam Á sẽ có sự tham gia của ngày càng nhiều các đơn vị cung ứng, tư vấn lĩnh vực phòng sạch, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tiềm năng rất lớn, song theo ông Thắng, tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn, sản xuất trang thiết bị, cung cấp, xây lắp thi công phòng sạch, cung cấp vật tư phòng sạch vẫn đang rất nhỏ lẻ, rời rạc.
Các nhà cung cấp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với nhà đầu tư hoặc hợp tác với nhau để cung cấp dịch vụ trọn gói tới khách hàng do sự cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị ngoại vốn có tiềm lực mạnh mẽ và nhiều năm kinh nghiệm.
Chính vì vậy, nếu không có sự hợp tác, liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng thể, ngành lạnh và điều hoà không khí tại Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh và nguy cơ “thua trên sân nhà” là điều tất yếu.
Thách thức về điện năng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính
Bên cạnh những thách thức về thị trường, sự phát triển mạnh của lĩnh vực này cũng dẫn tới vấn đề về gia tăng tiêu thụ điện, tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Nguyễn Xuân Tình, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hoà không khí Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của ngành lạnh và điều hòa không khí, cũng đặt ra nhiều thách thức cho xã hội.
Lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị này là rất lớn. Trung bình trong các tòa nhà, khách sạn, lượng điện cho điều hòa chiếm từ 40 – 60% lượng điện sử dụng chung.
Hiện nay trên thế giới lượng điện tiêu tốn cho điều hòa chiếm từ 16 – 20% tổng lượng điện tiêu thụ cho tất cả các ngành. Theo dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2030 lượng điện sử dụng cho điều hòa có thể lên tới 30%.
Đáng chú ý, môi chất lạnh gây phá hủy tầng ozone, làm tăng hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của trái đất. Hiện nay, Chính phủ đã cấm sử dụng môi chất lạnh CFC và tiến tới hạn chế sử dụng các môi chất HCFC.
Việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozone và chống phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực điện lạnh đã được Quốc hội đưa vào các điều khoản cụ thể trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện các nhà khoa học đang tích cực tìm các môi chất mới để không phá hủy tầng ozone và không gây hiệu ứng nhà kính. Các chuyên gia, hãng sản xuất đã tìm nhiều biện pháp kỹ thuật để giảm các ảnh hưởng không có lợi của lĩnh vực này.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu, kết nối hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, phát triển các giải pháp, xu hướng mới, Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hoà không khí Việt Nam cùng INTECH Group và Trung tâm hội nghị và triển lãm Busan – Hàn Quốc (BEXCO) sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế RHVAC, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao.
Sự kiện được tổ chức vào ngày 21-23/11/2024 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn – SECC với hai triển lãm chuyên ngành gồm triển lãm nhiệt – lạnh, điều hòa không khí và triển lãm phòng sạch. Quy mô triển lãm dự kiến khoảng 150 gian hàng.
Sự kiện đặc biệt trong năm nay là chương trình trình diễn công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực lạnh và điều hoà không khí, nơi trình diễn chia sẻ những giải pháp công nghệ mới, tiên tiến của các hãng lớn trong và ngoài nước.
Đồng thời, diễn đàn công nghệ phòng sạch nằm trong khuôn khổ sự kiện sẽ cập nhật các giải pháp mới và chuyên sâu từ các phần trình bày của nhiều chuyên gia, các tổ chức quốc tế nhằm mang lại những thông tin giá trị và giải pháp phát triển bền vững lĩnh vực này tại Việt Nam.
Nguon bai: https://theleader.vn/2-thach-thuc-lon-cua-doanh-nghiep-viet-nganh-lanh-va-dieu-hoa-khong-khi-1719315953708.htm
Bạn đang đọc bài viết “2 thách thức lớn của doanh nghiệp Việt ngành lạnh và điều hòa không khí #dieuhoamaylanh” tại chuyên mục Tư Vấn Điều Hòa Máy Lạnh của trang thông tin tham khảo tổng hợp ghi rõ nguồn thuộc TT ThoDienLanh24h. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với TT ThoDienLanh24h xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]!
Bài viết liên quan:
Trung Tâm Thợ Điện Lạnh 24h Phục Vụ
Trung tâm Thợ Điện Lạnh 24h phục vụ quý khách hàng kính mến sửa chữa, bảo dưỡng, tháo lắp, di dời, nạp ga, vệ sinh ....các thiết bị điện lạnh chủ yếu trong gia đình cơ quan, xí nghiệp.
Đừng Ngại Liên Liên Hệ Khi Bạn Cần Phục Vụ!